Góp phần giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển nông thôn ở khu vực miền núi phía Bắc
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, đại diện một số bộ, ngành và lãnh đạo UBND 6 tỉnh được thực hiện Dự án gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Lào Cai.
>>> Xem thêm: chứng chỉ đánh giá dự án đầu tư | nghiệp vụ an toàn lao động
Ảnh: Mai Phương (MPI Portal) |
Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 với mục tiêu góp phần giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển nông thôn ở khu vực miền núi phía Bắc, nơi được đánh giá là cộng đồng nghèo nhất ở Việt Nam. Dự án được thực hiện với cách tiếp cận chủ đạo và xuyên suốt các hoạt động là “ lấy cộng đồng làm định hướng” (CDD). Dự án được thiết kế với các hợp phần và các can thiệp ở nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác nhau, cùng với những nỗ lực từ các Chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa và khó khăn nhất trong cả nước. Những lĩnh vực can thiệp chính của Dự án bao gồm cải thiện tiếp cận cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất, tiếp cận các dịch vụ sản xuất, phát triển sinh kế bền vững cho người dân đóng góp vào việc tạo thu nhập ổn định. Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới: 96,6 triệu SDR, tương đương 150 triệu USD (tại thời điểm đàm phán tháng 01/2010) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (Ngân sách TW và Ngân sách địa phương).
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án cũng như sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Dự án đã nâng cao mức sống của người hưởng lợi thông qua việc cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, trên cơ sở triển khai, Dự án đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân; Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh trong vùng dự án với mức 3% mỗi năm; Ít nhất 60% số người hưởng lợi hài lòng với việc lựa chọn, thiết kế và thực hiện các hoạt động Dự án.
Hội nghị là dịp để đánh giá, trao đổi về những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Dự án, đồng thời đưa ra bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ, phương hướng thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Báo cáo về kết quả thực hiện Dự án giai đoạn 2010-2015 và một số nội dung chính về khoản vay bổ sung, ông Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Giám đốc Dự án cho biết, Dự án được thực hiện trên địa bàn của 232 xã thuộc 27 huyện của 6 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó 16 huyện nằm trong chương trình 30A và 30B của Chính phủ. Dự án được thiết kế thành 4 hợp phần chính, gồm: Phát triển kinh tế huyện; Ngân sách Phát triển xã; Tăng cường năng lực; Quản lý dự án – Giám sát đánh giá.
Sau 5 năm triển khai, Dự án đã đầu tư, bàn giao đưa vào sử dụng hơn 800 công trình cơ sở hạ tầng quy mô cấp xã (do Ban QLDA các huyện làm chủ đầu tư) với tổng giá trị ngân sách được duyệt 1.775 tỷ đồng, bao gồm: 261 công trình đường giao thông nông thôn với hơn 475 km, 298 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho 6.200 ha đất sản xuất, 177 công trình nước sinh hoạt nông thôn cho 13.200 hộ hưởng lợi.
Hỗ trợ hoạt động sinh kế thông qua các nhóm Đồng sở thích Chiến lược và cách tiếp cận trong hỗ trợ phát triển sinh kế của Dự án được xây dựng dựa trên kết quả phân tích hiện trạng các hoạt động sinh kế của người dân trong vùng. Yếu tố cốt lõi của chiến lược và cách tiếp cận hỗ trợ sinh kế của dự án là kết hợp, liên kết các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm đồng sở thích (gọi tắt là CIG) để cùng thực hiện các hoạt động sinh kế chung. Điều này sẽ giúp các thành viên CIG dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn lực đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi như dịch vụ thú y, khuyến nông, tiếp cận thị trường mua giống, vật tư đầu vào và thị trường bán sản phẩm; đồng thời giúp cải thiện giá trị gia tăng từ các hoạt động sản xuất và qua đó cải thiện hiệu quả sản xuất.
Đại diện Trưởng Ban quản lý dự án tại 6 tỉnh được thực hiện Dự án, ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Dự án đã mang lại những kết quả tích cực cho các đối tượng được hưởng lợi, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, thúc đẩy việc thoát nghèo bền vững. Đồng thời, bày tỏ mong muốn các nhà tài trợ trong đó có Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal) |
Đại diện từ phía nhà tài trợ, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Dự án đã mang lại những tác động đáng kể so với giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, phải kết hợp các nguồn lực, cơ hội, nguyên tắc tài chính để thực hiện hiệu quả Dự án. Về khoản vay bổ sung cho Dự án, bà Victoria Kwakwa cho biết, Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ 100 triệu USD cho giai đoạn 3 năm tiếp theo và mong muốn phía Việt Nam tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho 09 tập thể, 06 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2 (2010-2015)./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tin tức khác
- Hội thảo chia sẻ kết quả Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa trên kết quả, giai đoạn 2011-2015”
- Hội thảo công bố báo cáo cuối cùng Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2014
- Hội thảo công bố Dự án Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững ở Việt Nam
- Tuyên truyền rộng rãi các quy định mới của Luật đấu thầu năm 2013
- Đăng tải thông tin về đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia